Được dự báo có tổng doanh thu lên tới 179 tỷ USD vào năm 2020, song thị trường bán lẻ Việt dường như lại rất khó chen chân với ngay chính các doanh nghiệp nội, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài.
Tại hội thảo Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội, câu chuyện các đại gia Thái Lan thâu tóm kênh bán lẻ gần đây lại được các chuyên gia mổ xẻ. Không ít người bày tỏ lo lắng việc doanh nghiệp Việt sẽ mất "sân nhà" vào tay các đại gia ngoại.
Việc này diễn ra trong bối cảnh thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng trưởng khá nhanh, có thể đạt doanh thu 179 tỷ USD năm 2020. Với dân số hơn 90 triệu người, 60% là người tiêu dùng trẻ với nhu cầu mua sắm cao, bán lẻ Việt Nam được xem là địa chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
|
Doanh nghiệp nội khó tìm chỗ đứng trên thị trường bán lẻ, vốn được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam.
|
Trong khi đó, nền kinh tế đã và đang gia nhập nhiều sân chơi quốc tế như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Điều này khiến cho sân chơi mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được mở rộng với hầu hết các ngành, trong đó có bán lẻ.
Nghiên cứu về lĩnh vực này, Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết đối với đại gia ngoại, để có "vé" tham gia bữa tiệc 180 tỷ đôla tại Việt Nam thì con đường M&A là ngắn nhất. Từ năm 2015, hàng loạt thương vụ đã diễn ra với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Tuấn Anh nhận định tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng này đã gây sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp Việt. Hiện nhiều mặt hàng nội địa chỉ chiếm thị phần nhỏ, các trung tâm thương mại cao cấp thường thiếu vắng thương hiệu Việt Nam trong khi hàng điện máy cũng hầu hết là sản phẩm ngoại nhập.
Theo các số liệu thống kê, doanh nghiệp bán lẻ ngoại hiện chiếm hơn 50% thị phần và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đã có hệ thống Aeon và dự định sẽ nâng tổng số lên 20 trung tâm, nắm cổ phần tại Fivimart và Citimart. Trong khi đó, Hàn Quốc có trong tay Lotte và chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Đặc biệt là Thái Lan hiện sở hữu Metro, Big C, Nguyễn Kim, siêu thị chuyên đồ Thái Robinson, B’Smart, Zalora, chuỗi cửa hàng thể thao Supersports. Như vậy, chỉ riêng 2 đại gia Thái đã nắm trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi bao vây thị trường bán lẻ Việt.
"Năm 2016, tổng cộng có 93% dòng thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam mà trong đó chủ yếu thuộc về hàng tiêu dùng sẽ về 0%. Với thực trạng sản xuất trong nước hiện tại, hàng Việt sẽ không cạnh tranh nổi với các sản phẩm tương đồng từ Thái Lan. Nguy cơ mất nền sản xuất trong nước ngày càng hiện rõ", ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Bình (Học viện Ngân hàng) dẫn chứng, ngay tại cửa chính siêu thị Metro có một khu vực chuyên bày bán hàng hóa Thái Lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Người Thái đã dành vị trí đẹp nhất để trưng bày hàng hóa của họ từ đồ gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm.
Doanh nghiệp Việt vốn đã yếu về cạnh tranh nay tiếp tục gặp khó trong kênh phân phối: tăng chiết khấu, thời gian thanh toán dài, nhập số lượng ít hơn… Bắt đầu từ 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam theo cam kết với WTO. Điều này giúp họ phát huy hơn nữa tiềm lực về tài chính, nguồn hàng, quản lý, khả năng tiếp cận mặt bằng đẹp...
"Cuộc cạnh tranh này thực sự khốc liệt và tạo sức ép quá lớn cho doanh nghiệp nội, nếu được cấp phép mặt bằng gần nhau, chắc chắn doanh nghiệp nội sẽ thua", Tiến sĩ Ngô Tuấn Anh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Bình cũng nhận định bán lẻ tại Việt Nam bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia, thiếu đi một nhạc trưởng dẫn lối. Hiện chỉ ít tên tuổi doanh nghiệp Việt lớn như Sài Gòn Co.op, Vingroup... mới đủ sức tham gia vào cuộc đấu với các đại gia ngoại.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn của thế giới và nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. "Đến năm 2020, tầng lớp trung lưu với thu nhập 10.000 USD sẽ tăng gấp 3 so với hiện nay ", Thứ trưởng nói.
Theo lãnh đạo ngành Công Thương, bên cạnh những thuận lợi này, cuộc chơi hội nhập cũng đặt các doanh nghiệp bán lẻ trước nhiều thách thức, thậm chí mất mát do sự xâm lấn của đại gia ngoại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những hỗ trợ mà Nhà nước đã dành cho doanh nghiệp nội, Thứ trưởng Hải cũng nêu một số ví dụ nhiều doanh nghiệp có tên nội, song thực chất đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài: "Vậy Chính phủ có nên ưu đãi cho các doanh nghiệp này không?", ông đặt câu hỏi.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng đề cập đến việc một số doanh nghiệp được nhận ưu ái, sau đó lại được bán cổ phần cho nước ngoài, gây khó cả cho việc quy hoạch mạng lưới. Tuy nhiên vị này cũng cho rằng các doanh nghiệp nội yếu thế là do chậm đổi mới, tạo ra hình ảnh xấu về giá. Ông lấy ví dụ, một gói mì chính bán ở Lotte có giá rẻ hơn so với Hapro, hay như giá chai dầu ăn tại siêu thị nội cũng cao hơn so với siêu thị ngoại thì không thể cạnh tranh được.
"Doanh nghiệp bán lẻ Việt được sử dụng hàng trăm tỷ đồng tiền bình ổn giá song giá bán các mặt hàng của siêu thị vẫn cao hơn bên ngoài. 32.000 tấn rau bình ổn giá ra thị trường nhưng đến tay người tiêu dùng được bao nhiêu. Không hiểu sử dụng vốn, quỹ bình ổn như thế nào. Cá nhân tôi cho rằng ở đây còn có cả lợi ích nhóm", ông Phú bình luận.
Thống kê của cơ quan quản lý cho thấy hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm... |